ĐỀ CƯƠNG NHIỆM VỤ KIỂM ĐỊNH CÔNG TRÌNH

Khảo sát, kiểm tra kết cấu công trình, phát hiện các dấu hiệu xuống cấp để đề ra biện pháp xử lý nhằm duy trì tuổi thọ công trình, cung cấp số liệu phục vụ công tác kiểm tra định kỳ, kiểm định cầu cảng và thiết kế nâng cấp cầu cảng

Ngày đăng: 06-09-2016

3,040 lượt xem

ĐỀ CƯƠNG KỸ THUẬT KIỂM ĐỊNH CÔNG TRÌNH

KHẢO SÁT, KIỂM TRA ĐỊNH KỲ, KIỂM ĐỊNH CÔNG TRÌNH

CẢNG CHUYÊN DỤNG XĂNG DẦU 

ẤP 2 - XÃ PHONG PHÚ- HUYỆN NHƠN TRẠCH -TỈNH ĐỒNG NAI

CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN THƯƠNG MẠI DẦU KHÍ PETECHIM

---------- & ----------

 

A. CÁC CĂN CỨ THỰC HIỆN KIỂM ĐỊNH CÔNG TRÌNH:

- Căn cứ giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và đăng ký thuế chi nhánh số: 0250119411-001 đăng ký thay đổi lần 2 ngày 19/11/2011 do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cấp cho Chi nhánh Công ty CP Tư vấn Xây dựng Hàng Hải.

- Căn cứ luật xây dựng số: 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003.

- Căn cứ luật số: 38/2009/QH12 ngày 19/6/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.

- Nghị định của Chính phủ số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định của Chính phủ số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP; Thông tư số 03/2009/TT-BXD quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định 12/2009/NĐ-CP.

- Căn cứ nghị định số: 15/2013/NĐ - CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng.

- Căn cứ Quyết định số: 109/QĐ - CHHVN ngày 10/03/2005 của Cục Hàng hải Việt Nam về Quy định kỹ thuật khai thác cầu cảng.

- Căn cứ nghị định 21/2012/NĐ - CP ngày 21/03/2012 của chính phủ ban hành về quản lý cảng biển và luồng hàng hải; Thông tư 10/2013/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện một số điều của nghị định số 21/2012/NĐ - CP; Điều 7 thông tư 03/2011/TT - BXD hướng dẫn hoạt động kiểm định, giám định và chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng.

- Căn cứ công văn số: 459/TMDK ngày 13/08/2011 của Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Dầu khí  gửi Công ty CP Tư vấn Xây dựng CT Hàng Hải về việc "Kiểm định cầu cảng chuyên dụng xăng dầu".

Căn cứ vào yêu cầu, mục đích sử dụng công trình và các quy phạm hiện hành, Chi nhánh Công ty CP Tư vấn Xây dựng CT Hàng Hải tiến hành lập đề cương thực hiện công tác Khảo sát, Kiểm tra định kỳ, Kiểm định Cầu cảng chuyên dụng xăng dầu theo trình tự sau:

 

B. TRÌNH TỰ CÁC BƯỚC THỰC HIỆN KIỂM ĐỊNH CÔNG TRÌNH:

- Theo quy định tại điều 44 chương VII của quyết định số 109/QĐ - CHHVN công tác kiểm định cầu cảng được thực hiện theo định kỳ với các nội dung sau:

+ Kết cấu công trình cầu cảng bằng BTCT: 5 năm 1 lần.

+ Vùng nước cầu cảng: hàng năm phải khảo sát sự bồi, xói của khu nước cầu cảng, đặc biệt tại những vùng bồi lắng trên 0.5m/năm  bắt buộc phải kiểm tra 1 năm 2 lần vào sau các mùa mưa, mùa khô để có cơ sở cho Cảng vụ điều động tàu đến/rời cảng.

+ Các thiết bị phụ trợ trên cầu cảng: 1 năm 1 lần.

- Trên cơ sở hồ sơ, lý lịch cầu cảng hiện hữu, công tác kiểm định được thực hiện theo các bước sau:

+ Thu thập các số liệu phục vụ công tác Tư vấn.

+ Tài liệu công bố cảng và các tài liệu có liên quan của các cơ quan quản lý chuyên ngành.

+ Khảo sát địa hình.

+ Khảo sát hiện trạng, kiểm tra định kỳ.

 

C. NỘI DUNG CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH:

I. CÔNG TÁC THU THẬP SỐ LIỆU:

- Thu thập số liệu về điều kiện khí tượng, thủy văn khu vực xây dựng.

- Thu thập tài liệu khảo sát địa chất, hồ sơ thiết kế, hồ sơ hoàn công các cầu tàu do Chủ đầu tư đã thực hiện trước đây (tài liệu do Chủ đầu tư cấp).

 

II. CÔNG TÁC KHẢO SÁT ĐỊA HÌNH:

II.1. Nhiệm vụ khảo sát:

- Công tác khảo sát địa hình để thể hiện mặt bằng hiện trạng (cao độ, địa hình địa vật, hình dáng đường bờ...) trong phạm vi khảo sát và lân cận khu vực công trình.

- Trên cơ sở kết quả khảo sát địa hình, đánh giá sự bồi xói, xác định được khối lượng nạo vét khu nước phục vụ yêu cầu khai thác (nếu có), phục vụ cho công tác kiểm tra định kỳ cầu cảng.

II.2. Phạm vi khảo sát:

- Phạm vi khảo sát theo chiều dọc sông có chiều dài dự kiến » 470.5m với điểm giới hạn phía đầu thượng lưu cách trụ neo TN4 là 100m, điểm giới hạn phía đầu hạ lưu cách trụ neo TN3 là 100m.

- Phạm vi khảo sát theo chiều ngang sông từ đường ranh giới phía bờ (cách mép sàn công nghệ 50m) tới biên luồng sông Lòng Tàu, với chiều dài dự kiến phía thượng lưu » 384.9m, chiều dài dự kiến phía hạ lưu » 197m.

            (Chi tiết xem bản vẽ đính kèm).

II.3. Phương pháp khảo sát:

a. Lưới khống chế mặt bằng và cao độ:

- Trên cơ sở diện tích khu vực cần đo đạc, sử dụng các mốc hiện có trong khu vực của Chủ đầu tư để phục vụ đo vẽ và thi công sau này.

- Hệ cao độ được xây dựng thống nhất theo hệ cao độ Hải đồ, công tác dẫn cao độ sử dụng bằng máy NA720 của Thụy Sỹ với độ chính xác cao.

- Hệ tọa độ sử dụng hệ tọa độ quốc gia VN - 2000.

b. Phương pháp đo đạc chi tiết:

- Các điểm đo vẽ chi tiết địa hình, địa vật trong khu vực khảo sát được xác định theo phương pháp toạ độ cực. Đo bằng máy toàn đạc điện tử TC805L, TS06 của Thụy Sỹ và bộ gương kèm theo. Tất cả các địa vật, thực vật, công trình... đều được thể hiện chi tiết trên bản vẽ theo đúng yều cầu của tỷ lệ đo vẽ 1/500.

- Số liệu đo vẽ được trút từ máy toàn đạc điện tử sang máy tính để phục vụ cho công tác lập bình đồ.

- Kiểm tra máy đo sâu: Máy đo sâu được kiểm nghiệm trước và sau buổi đo bằng dọi, nhằm kiểm tra các thang đo sâu phù hợp với độ sâu trong khu vực đo đạc. 

- Đo vẽ thể hiện địa hình khu vực cần khảo sát. Mật độ điểm đo thỏa mãn quy phạm đo vẽ bản đồ tỷ lệ 1/500.

- Địa hình dưới nước đo bằng máy đo sâu Hydrotrac của Mỹ, định vị vệ tinh Trimble DSM 232, L1, BEACON, ROVER, sử dụng tín hiệu hiệu chỉnh từ trạm Beacon Quốc gia. Hai thiết bị này được kết nối với máy vi tính, có cài đặt phần mềm HYDROpr Navigation để dẫn đường, thu thập đồng thời số liệu vị trí và độ sâu kỹ thuật số. Đồng thời xác định vị trí các đáy và phao báo hiệu luồng tàu trong khu vực khảo sát nếu có.

- Cao độ các điểm chi tiết được xác định trên cơ sở quan trắc thủy trí, kết hợp với băng đo sâu.

- Cao độ trạm đọc thủy trí được dẫn từ mốc khống chế, dẫn theo tiêu chuẩn thủy chuẩn kỹ thuật. Dẫn bằng máy NA - 720 của Thụy Sỹ và mia 4mét.

- Trong quá trình đo phải quan trắc mực nước, trạm đọc nước phải đặt nơi ổn định, không bị ảnh hưởng của sóng tàu, thuyền qua lại.

- Kích thước và quy cách mốc tuân thủ theo qui định kỹ thuật.

c. Công tác nội nghiệp:

- Sử dụng chương trình TCTOOLS Version3.1 để trút số liệu từ TC805L sang máy tính.

- Sử dụng phần mềm Softdesk để vẽ đường đồng mức.

- Sử dụng phần mềm chuyên dụng được lập trình bằng ngôn ngữ ứng dụng Autolisp chạy trên nền AutoCAD R2004 để biên vẽ bình đồ cao độ.

- Đường đồng mức trong bản vẽ là 1.0m.

II.4. Khối lượng công tác khảo sát dự kiến:

- Diện tích khảo sát dự kiến S » 14.20 ha.

II.5. Tiêu chuẩn khảo sát được áp dụng:

- Quy phạm thành lập bản đồ tỷ lệ từ 1/500 ¸ 1/25,000 96 - TCN 42 - 90.

- Quy phạm đo vẽ bản đồ 96 - TCN 43 - 90.

- Quy phạm xây dựng lư­ới độ cao Nhà n­ước hạng 1, 2, 3, 4.

- Quy trình kỹ thuật xác định độ lún công trình dân dụng và công nghiệp bằng phương pháp đo cao hình học TCVN 9360 - 2012.

- Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCVN 9398 - 2012: Công tác trắc địa trong xây dựng công trình - Yêu cầu chung.

II.6. Yêu cầu kỹ thuật và nội dung hồ sơ:

- Thể hiện đầy đủ địa hình, địa vật, các công trình hiện có của khu vực khảo sát. Thể hiện được đầy đủ các công trình đã và đang xây dựng và tuyến đường bờ.

- Nội dung hồ sơ bao gồm thuyết minh và bản vẽ bình đồ tỷ lệ 1/500 phục vụ cho công tác Kiểm tra định kỳ Cảng chuyên dụng xăng dầu Phước Khánh.

 

III. CÔNG TÁC KHẢO SÁT HIỆN TRẠNG, KIỂM TRA ĐỊNH KỲ:

III.1. Nhiệm vụ khảo sát:

Khảo sát, kiểm tra kết cấu công trình, phát hiện các dấu hiệu xuống cấp để đề ra biện pháp xử lý nhằm duy trì tuổi thọ công trình, cung cấp số liệu phục vụ công tác kiểm tra định kỳ, kiểm định cầu cảng và thiết kế nâng cấp cầu cảng (nếu cần thiết).

III.2. Nội dung kiểm tra:

III.2.1. Kiểm tra các kích thước hình học và sự toàn vẹn của các cấu kiện của cầu cảng:

- Khảo sát kết cấu để thu thập các số liệu sau:

+ Kích thước hình học chung của từng cấu kiện.

+ Xuất hiện vết nứt.

+ Tình trạng bong rộp.

+ Tình trạng gỉ cốt thép.

+ Biến màu mặt ngoài.

+ Chất lượng bê tông.

+ Các khuyết tật nhìn thấy.

- Với những chỗ sứt vỡ, hư hỏng của BTCT: kiểm tra vị trí không gian tương đối và phạm vi hư hỏng sứt vỡ (chiều dài, chiều rộng, độ sâu vùng nứt vỡ).

- Với những chỗ nứt nẻ của BTCT: kiểm tra vị trí không gian tương đối của nơi bị nứt nẻ, đặc tính của vết nứt (ngang tiết diện hay dọc theo cốt thép chủ...), chiều dài, chiều rộng, độ sâu khe nứt.

III.2.2. Kiểm tra tọa độ và cao độ của cầu cảng

Tổng số điểm kiểm tra tọa độ và cao độ dự kiến: 36 điểm.

Trong đó:

- Trụ neo: Kiểm tra 08 điểm nằm tại các mép trụ (04 trụ x 02 điểm).

- Trụ va: Kiểm tra 08 điểm nằm tại các mép trụ (04 trụ x 02 điểm).

- Sàn công tác: Kiểm tra 12 điểm nằm tại các góc phân đoạn (03 phân đoạn x 04 điểm).

- Cầu dẫn: Kiểm tra 08 điểm nằm tại các góc phân đoạn (02 phân đoạn x 04 điểm).

III.2.3. Kiểm tra các thiết bị phụ trợ của cầu cảng:

Kiểm tra đệm tàu, bích neo (tính năng kỹ thuật và các liên kết giữa đệm tàu, bích neo với cầu cảng).

III.3. Biện pháp khảo sát:

Xem xét hồ sơ thiết kế, hồ sơ hoàn công của cầu cảng kết hợp với các biện pháp cụ thể sau:

III.3.1. Kiểm tra các kích thước hình học và sự toàn vẹn của các cấu kiện của cầu cảng so với hồ sơ hoàn công, thiết kế ban đầu:

III.3.1.1. Hệ thống dầm, bản sàn công nghệ, cầu dẫn, đài trụ:

Khảo sát trực quan bằng nhìn và gõ nghe. Khi có nghi ngờ hư hỏng hoặc suy thoái chất lượng có thể sử dụng thiết bị thử nghiệm không phá huỷ hoặc khoan lỗ bê tông để kiểm tra. Dùng thước thép để xác định kích thước cấu kiện và các hư hỏng (nếu có). Chụp ảnh tổng thể và chi tiết vị trí hư hỏng (nếu có).

III.3.1.2. Nền cọc:

<> Phần cọc từ mực nước khảo sát trở lên: Khảo sát trực quan bằng nhìn và gõ nghe. Dùng thước thép để xác định kích thước cọc, kích thước các hư hỏng (nếu có). Chụp ảnh tổng thể và chi tiết các hư hỏng (nếu có).

<> Phần cọc từ mực nước khảo sát trở xuống: Thợ lặn sẽ tiến hành rà lặn kiểm tra toàn bộ thân cọc từ mực nước xuống đến mặt đất. Nếu phát hiện các hư hỏng sẽ tiến hành đo đạc xác định vị trí, kích thước của các hư hỏng.

- Tổng số cọc dự kiến khảo sát dưới nước           : 260 cọc.

            (Số lượng cọc trên không bao gồm cọc cầu dẫn)

- Ca thợ lặn kiểm tra cọc dự kiến                          : 9 ca (4 giờ/ca).

III.3.2. Kiểm tra tọa độ và cao độ cầu cảng:

- Sử dụng các mốc cao độ sẵn có trong khu vực.

- Sử dụng các thiết bị đo đạc để xác định tọa độ và cao độ của cầu cảng.

- Đối chiếu kết quả với lần khảo sát gần đây nhất là năm 2008 để đánh giá sự dịch chuyển tương đối của cầu.

III.3.3. Kiểm tra các thiết bị phụ trợ của cầu cảng:

Kiểm tra trực quan kết hợp thước thép và chụp ảnh.

III.4. Chụp ảnh hiện trường:

- Chụp ảnh toàn cảnh công trình.

- Chụp ảnh những vị trí, những cấu kiện cầu cảng bị hư hỏng.

III.5. Lập hồ sơ báo cáo kết quả khảo sát hiện trạng:

- Ngày tháng kiểm tra.

- Những người thực hiện kiểm tra.

- Phương pháp kiểm tra và tính năng kỹ thuật các dụng cụ thiết bị kiểm tra.

- Lập bản vẽ hiện trạng công trình trên đó có vị trí, phạm vi hư hỏng.

- Phần thuyết minh hiện trạng công trình: So sánh kết quả kiểm tra với kết cấu ban đầu, nhận xét sơ bộ nguyên nhân và khả năng làm việc của từng cấu kiện công trình. Kiến nghị những cấu kiện cần sửa chữa gia cố (nếu cần thiết). Qua kết quả khảo sát hiện trạng, nếu phát hiện có nhiều cấu kiện bị hư hỏng nặng sẽ tiến hành tính toán kiểm định với tải trọng khai thác hiện hữu theo hồ sơ thiết kế cầu tàu (Công tác tính toán kiểm định được thực hiện như trong mục V). Qua đó có kết luận về khả năng chịu tải của công trình và đề xuất biện pháp thiết kế nâng cấp để công trình đáp ứng tải trọng khai thác.

- Phần ảnh chụp hiện trạng công trình.

IV. CÔNG TÁC TÍNH TOÁN KIỂM ĐỊNH:

IV.1. Các qui trình qui phạm và tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng:

- Quy chuẩn xây dựng Việt nam.

- Tuyển tập tiêu chuẩn xây dựng Việt nam.

- Công trình bến cảng biển - tiêu chuẩn thiết kế 22 TCN 207 - 92.

- Công trình bến cảng sông - tiêu chuẩn thiết kế 22 TCN 219 - 94.

- Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép thủy công - TCVN - 4116 - 85.

- Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép - Yêu cầu bảo vệ chống ăn mòn trong môi trường biển - TCVN 9346 - 2012.

- Qui phạm thi công và nghiệm thu.

- Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép TCVN - 5574 - 2012.

- Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép  toàn khối - TCVN 4453 - 1995.

- Chống ăn mòn trong xây dựng TCXD 3993 - 85.

- Kết cấu thép - tiêu chuẩn thiết kế  TCVN 5575 - 2012.

- Nền các công trình thủy công - TCVN 4253 - 86.

- Tiêu chuẩn thiết kế móng cọc TCXD 205 - 1998.

Ngoài ra còn tham khảo, sử dụng các tài liệu sau:

- Tiêu chuẩn Anh về kết cấu Hàng hải: "British Standard Code of practice for: Maritime structures" BS 6349.

- Tiêu chuẩn Anh về kết cấu bê tông: "British Standard: Structural use of concrete" BS 8110.

- Tiêu chuẩn kỹ thuật cảng biển Nhật bản: "Technical standards for port and harbour facilites in Japan".

- Hướng dẫn thiết kế Đệm tàu: Guidelines for the Design of Fenders Systems: 2002 (PIANC).

IV.2. Tải trọng tính toán:

- Tàu tính toán: Tàu 32.000DWT.

- Tải trọng khai thác trên bến cập tàu:

+ Tải trọng khai thác trên mặt cầu (bao gồm sàn công nghệ, cầu dẫn): 2 T/m2.

+ Tải trọng khai thác trên trụ: 0.5 T/m2.

IV.3. Nội dung tính toán kiểm định:

IV.3.1. Trình tự tính toán kiểm định:

Theo hồ sơ hoàn công do Chủ đầu tư cấp, căn cứ vào kết cấu công trình hiện hữu và tải trọng khai thác của bến, việc tính toán kiểm định bao gồm các nội dung sau:

- Tính toán các thông số cơ bản của bến (chiều dài bến, chiều sâu trước bến, mớn nước thực tế của tàu để phù hợp với chiều sâu trước bến được công bố...).

- Xác định các ngoại lực tác dụng lên cầu tàu với tải trọng khai thác yêu cầu.

- Tính toán kết cấu cầu tàu với sơ đồ không gian chịu ngoại lực ở trên.

- Kiểm tra khả năng chịu lực của các cấu kiện chính như bản mặt cầu, dầm ngang, dầm dọc, cọc.

- Kiểm tra chuyển vị của cầu cảng.

IV.3.2. Phương pháp tính toán:

- Sử dụng bài toán tính toán tĩnh lực cầu tàu trong từng trường hợp tải trọng tàu neo va, tải trọng khai thác trên cầu tàu để xác định được giá trị nội lực từng cấu kiện: cọc, dầm, bản...

- Kiểm tra khả năng chịu lực của từng cấu kiện BTCT theo các trường hợp:

+ Trạng thái giới hạn thứ nhất: theo cường độ.

+ Trạng thái giới hạn thứ hai: theo hình thành và mở rộng vết nứt, với điều kiện vết nứt có trị số bằng trị số cho phép lớn nhất.

+ Kiểm tra chuyển vị của cầu cảng với điều kiện chuyển vị có trị số bằng trị số cho phép lớn nhất.

- Phần mềm tính toán: sử dụng chương trình tính kết cấu SAP2000...

- Sử dụng bài toán tính toán tĩnh lực cầu tàu trong từng trường hợp tải trọng tàu neo va, tải trọng khai thác trên cầu tàu để xác định được giá trị nội lực từng cấu kiện: cọc, dầm, bản... và chuyển vị của cầu cảng.

IV.3.3. Kết luận:

- Dựa trên kết quả tính toán kết luận về sự phù hợp của kết cấu công trình đối với điều kiện khai thác đặt ra và những hạng mục công việc cần nâng cấp để đảo bảo an toàn cho công trình.

IV.4. Hồ sơ tính toán kiểm định:

Hồ sơ tính toán kiểm định bao gồm các nội dung chính sau:

* Phần Thuyết minh tính toán kiểm định:

- Các căn cứ thiết kế.

- Điều kiện tự nhiên - kỹ thuật.

            + Vị trí công trình.

            + Điều kiện địa hình.

            + Điều kiện địa chất.

            + Điều kiện khí tượng, thủy văn.

- Mặt bằng và kết cấu công trình hiện trạng.

- Tính toán kiểm định.

            + Tải trọng khai thác.

            + Cấp công trình.

            + Sơ đồ tính.

            + Nội lực các cấu kiện.

            + Kiểm tra khả năng chịu lực của các cấu kiện.

- Kết luận - Kiến nghị.

- Phụ lục tính toán.

* Các bản vẽ:

- Mặt bằng vị trí công trình hiện hữu.

- Bố trí chung công trình hiện hữu.

 

D. KINH PHÍ THỰC HIỆN KIỂM ĐỊNH CÔNG TRÌNH:

Kinh phí thực hiện cho công tác Tư vấn: có bảng chi tiết kèm theo.

 

E. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN VÀ HỒ SƠ GIAO NỘP:

1. Tiến độ thực hiện:

Sau khi Chủ đầu tư ký kết hợp đồng, công tác Tư vấn được thực hiện theo tiến độ như sau:

- Công tác khảo sát hiện trạng:                                                                  15 ngày.

- Công tác lập báo cáo kết quả hiện trạng và tính toán kiểm định:      45 ngày.

2. Hồ sơ giao nộp:              

- Báo cáo khảo sát hiện trạng:                                                                   07 bộ.

- Hồ sơ tính toán kiểm định:                                                                      07 bộ.

 

GỌI NGAY -  0903649782 - 028 35146426 

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ

CÔNG TY CP TV ĐẦU TƯ VÀ THIẾT KẾ XÂY DỰNG MINH PHƯƠNG

Địa chỉ: Số 28 B Mai Thị Lựu, Phường Đa Kao, Quận 1, TPHCM

Chi nhánh: 2.14 Chung cư B1,số 2 Trường Sa, P 17, Q Bình Thạnh, TPHCM

Email: nguyenthanhmp156@gmail.com 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha