Quy định về bảo vệ môi trường nhằm hạn chế tội phạm môi trường quy định trong Bộ luật Hình sự và luật Bảo vệ môi trường hiện hành của nhà nước
Ngày đăng: 29-08-2016
2,041 lượt xem
Bảo vệ môi trường nhằm hạn chế tội phạm môi trường quy định trong Bộ luật Hình sự
Trong số 11 tội phạm môi trường quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành, có 6 cấu thành tội phạm được xây dựng là cấu thành tội phạm vật chất, bao gồm: tội gây ô nhiễm môi trường, tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại, tội vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường, tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam, tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, quy định tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại... Ở Việt Nam, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường những năm gần đây diễn biến rất phức tạp cùng với đà phát triển kinh tế, để lại những hậu quả khôn lường tới sức khoẻ, tính mạng, tài sản của người dân và ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Trong khi đó, mặc dù gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội, trách nhiệm hình sự áp dụng cho các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường lại quá nhẹ và trong nhiều trường hợp là không thể xử lý. Nguyên nhân của thực trạng nói trên, ngoài lý do tội phạm về môi trường ngày càng tinh vi, khó phát hiện, việc xử lý vi phạm pháp luật môi trường thiếu thống nhất và chưa nghiêm minh thì việc không thể xử lý hình sự theo nhận định của nhiều chuyên gia là do chính các quy định của pháp luật hình sự. Nghĩa là, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa rõ ràng, còn nhiều lỗ hổng để các đối tượng “lách luật”. Một trong những lỗ hổng đó có thể kể đến vấn đề về quy định cấu thành tội phạm của các tội phạm môi trường, đặc biệt là mặt khách quan của tội phạm. BLHS hiện hành quy định tội phạm môi trường với đa số là cấu thành tội phạm vật chất, nghĩa là hành vi phạm tội đòi hỏi phải có hậu quả xảy ra.
Điều này khiến nảy sinh một số vướng mắc trong áp dụng bởi: i/ Hành vi được thực hiện nhưng hậu quả xảy ra ở thời gian sau đó rất xa khiến thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đó không còn; ii/ Việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra là vấn đề hết sức phức tạp, đòi hỏi phải áp dụng kỹ thuật cao, không phải địa phương nào cũng có khả năng thực hiện. Vì những khó khăn này mà trong thời gian qua nhiều vụ vi phạm môi trường dù gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội, ai cũng dễ dàng nhận thấy nhưng được “cho qua” một cách dễ dàng. Cụ thể, trong số 11 tội phạm môi trường quy định trong BLHS hiện hành, có 6 cấu thành tội phạm được xây dựng là cấu thành tội phạm vật chất, bao gồm: tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 182), tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 182a), tội vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường (Điều 182b), tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 185), tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 191), quy định tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại (Điều 191a). Ngoài ra có 1 cấu thành tội phạm hình thức là tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Điều 190); 3 cấu thành tội phạm vừa là hình thức vừa là vật chất, đó là: tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật (Điều 187), tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 188); và 1 cấu thành tội phạm chưa thể xác định là cấu thành tội phạm kiểu gì là tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (Điều 186). luật Bảo vệ môi trường
Có thể nói, việc các tội phạm môi trường trong BLHS hiện hành được xây dựng đa số là cấu thành tội phạm vật chất với dấu hiệu hậu quả chung chung, không có căn cứ rõ ràng để xác định đã khiến người áp dụng rất hoang mang giữa ranh giới bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội. Trong điều kiện ấy, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 ra đời càng khiến các cơ quan tiến hành tố tụng thà bỏ lọt tội phạm để tránh rắc rối. Điều này vô hình trung làm cho quy định về tội phạm môi trường vốn khá đầy đủ trong BLHS không được áp dụng hiệu quả trên thực tế. Khắc phục những điểm yếu của BLHS hiện hành, các nhà soạn thảo BLHS sửa đổi đã có cái nhìn và cách tiếp cận tiến bộ đối với tội phạm môi trường theo hướng đề xuất “Quy định cấu thành tội phạm các tội phạm về môi trường là cấu thành hình thức, đồng thời quy định tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm là dấu hiệu định tội đối với những trường hợp có hành vi vi phạm dưới mức định lượng tối thiểu của điều luật.”(Ban Soạn thảo BLHS sửa đổi, 2015) Bên cạnh đó, với các cấu thành tội phạm vật chất, Dự thảo đã cụ thế hoá bằng các con số để dễ dàng đối chiếu, chứng minh trong định tội. Chẳng hạn, ở Điều 231 quy định tội gây ô nhiễm môi trường (sửa đổi), các nhà soạn thảo đã xác định rõ các chỉ số tối thiểu so với quy chuẩn kỹ thuật. Khi đó, chỉ cần xác định được mức độ xả thải, phát bức xạ… để đối chiếu với quy chuẩn kỹ thuật thì có thể định tội; hoặc Điều 243 BLHS dự thảo sửa đổi, tại điểm a, khoản 1, các nhà dự thảo đã cụ thể hoá hậu quả thông qua “tang vật vi phạm trị giá từ 250.000.000 đồng trở lên hoặc trong trường hợp tang vật vi phạm trị giá dưới 250.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.
Điều này đã tạo thuận lợi cho việc định tội nhập khẩu các loài ngoại lai xâm hại. Ngoài ra, Điều 232 cũng quy định tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại với nội dung yêu cầu trọng lượng chất thải tối thiểu có chứa thành phần nguy hại đặc biệt hoặc nguy hại khác so với ngưỡng chất thải nguy hại. Việc quy định cấu thành hình thức đối với tội phạm về môi trường là hướng đi đúng đắn hứa hẹn giải quyết được những lỗ hổng của pháp luật hiện hành trong xử lý tội phạm về môi trường. Tuy nhiên, việc Dự thảo BLHS sửa đổi vẫn duy trì nhiều quy định với dấu hiệu hậu quả có thể sẽ hạn chế khả năng xác định tội phạm để xử lý. Cụ thể, có thể thấy, đa số các cấu thành tội phạm của tội phạm môi trường trong BLHS dự thảo vẫn còn duy trì dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 232, 233, 234, 235, 236, 238, 239, 242, 243), “làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng” (Điều 233), “số lượng lớn” (Điều 236). Thậm chí, Điều 237 sửa đổi về Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người còn chưa rõ là cấu thành tội phạm hình thức hay vật chất. Điều luật này bị lỗi ở chỗ phần quy định chung đã có cụm từ “làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”, nghĩa là hành vi vi phạm (liệt kê bên dưới) phải gây ra hậu quả là làm lây lan dịch bệnh (cấu thành tội phạm vật chất). Tuy nhiên, ở phần các hành vi cụ thể thì quy định có sự mâu thuẫn khi quy định hành vi vi phạm chỉ cần “có khả năng truyền bệnh cho người” là đã cấu thành tội phạm (cấu thành tội phạm hình thức). Như vậy, ở đây sẽ nảy sinh câu hỏi vì không rõ nhà làm luật có đòi hỏi tội phạm này phải gây ra hậu quả hay không.
Cách quy định như vậy khiến có thể thấy trước nguy cơ rằng luật sẽ tiếp tục bỏ lọt các tội phạm xâm hại môi trường và chỉ có số ít hành vi bị xử lý trên thực tế như trong thời gian qua. Vậy vấn đề nên được giải quyết thế nào? làm cách nào để bảo vệ môi trường.
Thật ra, quy định tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức sẽ dễ dàng hơn trong áp dụng. Tuy nhiên, việc quy định tội phạm có cấu thành hình thức hay vật chất phải dựa vào bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm. Đối với hành vi vi phạm có tính nguy hiểm cao, các nhà làm luật nên quy định cấu thành tội phạm hình thức. Đối với những hành vi vi phạm có tính nguy hiểm thấp, cần dấu hiệu hậu quả mới có tính nguy hiểm đáng kể thì các mức độ hậu quả phải được quy định rõ ràng, định lượng bằng các con số.
Trong trường hợp đối tượng thiệt hại chưa xác định được một cách chính xác thì các hậu quả phải được dự kiến để định hướng cho các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, tạo căn cứ pháp lý cho việc áp dụng. Ví dụ, tại Điều 233 BLHS dự thảo, các nhà làm luật cần nghiên cứu và cụ thể hoá các hậu quả “môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng”, hoặc “gây hậu quả nghiêm trọng khác” bằng các chỉ số cụ thể, có căn cứ để đối chiếu; hoặc tại Điều 237 BLHS dự thảo, để việc áp dụng được thuận lợi, hoặc phải bỏ cụm từ “làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” ở phần chung điều luật, hoặc phải bỏ nội dung “có khả năng truyền bệnh dịch cho người” để được hiểu thống nhất đây là cấu thành tội phạm hình thức hay vật chất.
Để bảo vệ môi trường, có căn cứ các văn bản hướng dẫn cụ thể các trường hợp hậu quả tương tự như Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT/BNNPTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC (08/3/2007) hướng dẫn thế nào là “hậu quả nghiêm trọng” theo các quy định của BLHS hiện hành. Phương án này dành cho các hậu quả đối với nhiều đối tượng phạm tội mà việc cụ thể hóa trong điều luật sẽ rất rườm rà, phức tạp. Như vậy, tùy trường hợp cụ thể, nhà làm luật có thể quyết định cách quy định về dấu hiệu khách quan của các tội phạm môi trường sao cho vừa thuận lợi trong áp dụng mà Luật vẫn đảm bảo súc tích, ngắn gọn và dễ hiểu. Có như vậy, các quy định về tội phạm môi trường mới thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế bảo vệ môi trường.
Gửi bình luận của bạn