Quy định khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo vét
Ngày đăng: 05-09-2022
663 lượt xem
Ban hành quy định khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển
KHU VỰC, ĐỊA ĐIỂM ĐỔ THẢI, NHẬN CHÌM ĐỐI VỚI VẬT CHẤT NẠO VÉT TỪ HỆ THỐNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA, VÙNG NƯỚC CẢNG BIỂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH
(Kèm theo Quyết định số /2022/QĐ-UBND ngày tháng năm 2022
của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình)
1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1.1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định việc xác định khu vực, địa điểm đổ thải đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
1.2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến khu vực, địa điểm đổ thải đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
2. Nguyên tắc áp dụng
Quyết định này là cơ sở pháp lý để các cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng thống nhất trong quá trình quy hoạch, xây dựng, lựa chọn khu vực, địa điểm để đổ thải thực hiện các dự án liên quan đến hoạt động nạo vét trong vùng nước đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình; nhằm mục đích hạn chế những tác hại gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
3. Giải thích từ ngữ
Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Khu vực đổ thải là phạm vi có thể quy hoạch chứa các vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển.
2. Địa điểm đổ thải là nơi xác định vị trí cụ thể để chứa các vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển.
3. Vật chất nạo vét là vật chất ở thể rắn, lỏng được nạo vét dưới đáy của vùng nước đường thuỷ nội địa, vùng nước cảng biển không thuộc hoạt động nạo vét thu hồi sản phẩm.
4. Quy định về khu vực, địa điểm đổ thải
4.1. Điều kiện để xác định khu vực, địa điểm đổ thải
a) Khu vực, địa điểm đổ thải phải được Ủy ban nhân dân tỉnh công bố địa điểm đổ chất nạo vét theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ hoặc được Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí và chấp thuận bằng văn bản vị trí đổ vật chất nạo vét theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ, có diện tích đáp ứng nhu cầu đổ thải vật chất nạo vét của từng dự án cụ thể, phù hợp với Quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.
b) Có vị trí thuận lợi để đảm bảo việc thu gom vật chất nạo vét từ vùng nước đường thuỷ nội địa, vùng nước cảng biển và đáp ứng được các quy định pháp luật về khoảng cách an toàn đến khu vực dân cư sinh sống tập trung theo quy định. Nếu thực hiện đổ thải lên trên khu đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân trong khu vực và đúng quy định của pháp luật.
c) Có điều kiện địa chất, thủy văn phù hợp; không nằm trong khu vực thường xuyên bị ngập sâu trong nước; không nằm ở vị trí đầu nguồn nước.
d) Đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan, an ninh trật tự, không xâm phạm chỉ giới giao thông, bảo đảm các quy định về hành lang bảo vệ công trình đường bộ, đường thủy nội địa, không làm ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe người dân.
4.2. Quy định khu vực, địa điểm đổ thải
a) Vị trí khu vực, địa điểm đổ thải có khoảng cách an toàn đến khu vực dân cư tập trung, trường học, bệnh viện, trung tâm văn hóa xã hội, di tích lịch sử, trung tâm công nghiệp, các nguồn nước, sông, hồ đúng quy định của pháp luật.
b) Có diện tích, sức chứa phù hợp để chứa, xử lý các vật chất nạo vét từ vùng nước đường thuỷ nội địa, vùng nước cảng biển đối với từng dự án cụ thể.
c) Để hạn chế tác động xấu của vật chất nạo vét đến môi trường xung quanh, kết cấu của khu vực đổ thải phải có bờ bao bằng đất tự nhiên hoặc bê tông cốt thép (đảm bảo chiều cao, độ dày phù hợp với từng khu vực đổ thải), xung quanh có hệ thống lọc nước và thoát nước.
5. Trách nhiệm quản lý nhà nước về khu vực, địa điểm đổ thải
5.1. Sở Giao thông vận tải
a) Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan việc thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý vật chất nạo vét từ vùng nước đường thuỷ nội địa, vùng nước cảng biển đến khu vực, địa điểm đổ thải.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thanh tra, kiểm tra công tác thu gom, xử lý, vận chuyển vật chất nạo vét từ vùng nước đường thuỷ nội địa, vùng nước cảng biển.
5.2. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh: Hàng năm trước ngày 31 tháng 12, dự kiến diện tích, lượng vật chất nạo vét phát sinh từ vùng nước đường thuỷ nội địa, vùng nước cảng biển của năm tiếp theo để làm căn cứ tính toán, tham mưu UBND tỉnh công bố địa điểm đổ chất nạo vét trên bờ và ngoài biển; quản lý các khu vực, địa điểm đổ thải trên địa bàn tỉnh.
b) Hàng năm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác quan trắc và giám sát môi trường đối với các khu vực, vị trí đổ thải theo nhiệm vụ được giao.
5.3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Hướng dẫn chủ đầu tư các dự án nạo vét đường thuỷ nội địa có đổ thải thực hiện đúng các quy định tại Quyết định này.
b) Chủ trì thẩm định phương án đổ thải đối với các dự án nạo vét các công trình thủy lợi phục vụ giao thông đường thủy cần đổ thải do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư.
5.4. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố
a) Chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư dự án nạo vét vùng nước đường thuỷ nội địa, vùng nước cảng biển và các sở, ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn, chấp thuận vị trí để sử dụng làm khu vực, địa điểm đổ thải đối với vật chất nạo vét từ vùng nước đường thuỷ nội địa, vùng nước cảng biển; quản lý các khu vực, địa điểm đổ thải trên địa bàn.
b) Phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan có liên quan để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, hàng hải tại địa phương theo phân cấp.
c) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động nạo vét trong vùng nước đường thuỷ nội địa, vùng nước cảng biển chấp hành các quy định quản lý vật chất nạo vét và các quy định khác có liên quan; kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý.
d) Tổ chức tuyên truyền các quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý vật chất nạo vét từ vùng nước đường thuỷ nội địa, vùng nước cảng biển và giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn.
6. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc vận chuyển, đổ thải chất thải nạo vét
a) Thực hiện đổ thải đúng phạm vi, vị trí được cấp phép.
b) Việc thu gom, vận chuyển vật chất nạo vét phải hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, giao thông, nuôi trồng thủy, hải sản.
c) Thu gom, vận chuyển đối với vật chất nạo vét có tạp chất ô nhiễm thực hiện theo đúng quy định hiện hành về quản lý chất thải.
d) Khuyến khích sử dụng kỹ thuật tiên tiến trong thu gom, vận chuyển vật chất nạo vét; khuyến kích sử dụng kỹ thuật, công nghệ tách nước, phơi khô vật chất nạo vét trước khi vận chuyển.
7. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tiếp nhận chất nạo vét
a) Đảm bảo sử dụng đúng mục đích đất đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.
b) Giám sát việc đổ thải vật chất nạo vét bảo đảm đúng vị trí, phạm vi đã được cấp phép.
c) Thực hiện quan trắc, giám sát môi trường đối với các khu vực, vị trí đổ thải với tần suất 03 – 06 tháng/lần đối với chất lượng nước mặt, trầm tích (trường hợp thời gian đổ thải <03 tháng, thực hiện quan trắc 01 lần/thời gian thực hiện đổ thải); thực hiện khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại trong trường hợp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường theo quy định hiện hành.
Gửi bình luận của bạn